CÂU CHUYỆN SẢN PHẨM

BÁNH CÁY THIÊN ĐỨC - ĐẶC SẢN LÀNG NGUYỄN

Thái Bình không chỉ là quê hương của chị Hai năm tấn, nói đến đặc sản của đất Thái Bình thì không thể không nhắc tới bánh cáy làng Nguyễn. Đây vốn là món bánh dân dã với hương vị rất đặc trưng được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Nguyễn, xưa kia còn được dùng như một sản vật để tiến vua. Và ở làng Nguyễn bao năm nay, thương hiệu bánh cáy Thiên Đức, do xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức sản xuất, nổi tiếng là bánh cáy ngon nhất tại đây.

Với mong muốn gìn giữ và phát huy nghề làm bánh cáy truyền thống tại địa phương, năm 1997 xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức được thành lập, tại xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Kế thừa và phát huy phương pháp sản xuất trước đây, hộ kinh doanh đã mạnh dạn dầu tư máy móc, nhà xưởng hiện đại. So với cách làm thủ công truyền thống sản phẩm bánh cáy Thiên Đức luôn đảm bảo vệ sinh anh toàn thực phẩm, hình thức đẹp hơn, số lượng sản xuất được nhiều, mà giá thành lại rẻ hơn.

Xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức đã được Bộ Công Thương tỉnh Thái Bình chứng nhận là đảm bảo đủ yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Với quy trình sản xuất máy móc hiện đại, ngay từ khâu chọn nguyên liệu đã được hộ kinh doanh chú trọng. Nguyên liệu chính để làm bánh cáy là: gạo nếp (phải là nếp cái hoa vàng), mang hạt rang lên thành bỏng 

rồi giã thành bột, vê tròn thành quả. Quả được thái thành những thanh nhỏ bằng ngón tay, tẩm gấc thành con cái đỏ, tẩm quả thành con cái vàng, rồi đem rán mỡ giòn tan cộng với mạch nha làm từ mầm lúa ngọt và mát, dừa, vừng, gừng và lạc rang thơm tróc vỏ. Cả nồi mạch nha được nhào trộn với những nguyên vật liệu trên cùng những hạt bỏng trắng tinh, đun vừa lửa đến độ dẻo cần thiết, bánh mềm, đem lèn chặt trong những chiếc khuôn bằng gỗ hình chữ nhật được lót thêm vừng, lạc, dừa. Như nhiều thợ lành nghề tại đây chia sẻ: cáy là phần khó nhất, kỳ công nhất của món bánh này. Đồ xôi cho chín, cán mỏng xôi, cắt thành từng viên nhỏ rồi sấy khô. Sau đó đem chiên phồng số “cáy” này lên. 

Bánh cáy Thiên Đức mới làm xong ăn sẽ ngon và “nhớ đời” nhất, khi đó người ta thấy rõ nhất mùi cơm dừa, hạt sen, hạt dưa thơm bùi, cảm nhận rõ chất đường keo dính, vị cay the the của 

những sợi gừng tươi. Ngày xưa người dân ở làng Nguyễn chỉ làm bánh để ăn và làm quà trong những ngày lễ, Tết, còn bây giờ thì sản xuất quanh năm do nhu cầu của thực khách. Nếu có một lần được thưởng thức hương vị bánh cáy Thiên Đức, thực khách sẽ cảm nhận được một món quà quê ngon, mà bình dị. Bánh cáy Thiên Đức có đủ độ dẻo, ngọt, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi, cắn miếng bánh thấy lạ miệng trong đó có mứt bí, gừng tươi cay nồng, tinh dầu hương bưởi quyến rũ, ăn bánh cáy mà uống thêm chén trà nóng quả là tuyệt vời.

Mặc dù, tại huyện Đông Hưng có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh cáy, nhưng xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức vinh dự là đơn vị đầu tiên tham gia OCOP và được sự giúp đỡ của cán bộ chuyên môn huyện. Đây chính là động lực để xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức chú trọng hơn nữa, tập trung nâng cao chất lượng bánh cáy tại cơ sở. Đồng thời, tham gia OCOP là cơ hội lớn để thương hiệu bánh cáy Thiên Đức có bước tiến xa hơn, được tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn, thị trường tiêu thụ không chỉ trong tỉnh, mà còn nhiều tỉnh thành khác trên cả nước./.